Khi tuyển dụng, có một kiểu ứng viên có sức “chiến đấu” tốt hơn so với nhiều người khác, đó là người đã từng thất bại trong công việc. Hãy tìm hiểu họ sâu hơn, đặc biệt là 3 yếu tố sau đây.
3 điều nên “soi” khi chọn ứng viên từng thất bại trong công việc
Họ đã vượt qua thất bại như thế nào?
Ứng viên đã từng thất bại trong công việc hẳn là đã có một quãng thời gian rất khó khăn. Họ đã xử lý khủng hoảng thế nào? Họ có làm điều gì để cứu vãn hay không? Và họ đã học được gì sau những thất bại trong sự nghiệp đó?
Đừng luôn tìm kiếm những ứng viên hoàn hảo không tì vết, bởi bạn sẽ không biết được họ sẽ xử lý khủng hoảng và thất bại thế nào nếu nó xảy ra tại chính công ty của bạn. Thay vào đó, một ứng viên đã từng bước ra từ những khó khăn có thể hiểu những gì họ không nên làm và nên làm khi gặp phải vấn đề.
Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng công ty tuyển dụng và tìm việc làm CareerLink Việt Nam chia sẻ, nếu bạn đang phỏng vấn một ứng viên đã từng thất bại trong công việc, hãy dành thêm thời gian để tìm hiểu sâu hơn về câu chuyện của họ. Khai thác thêm những thông tin liên quan đến kinh nghiệm cá nhân, hoặc động cơ khiến họ lựa chọn ứng tuyển vào công ty của bạn. Qua cách mà họ trải qua quãng thời gian xuống dốc và thất bại ấy, bạn có thể biết được điều khác biệt giữa một ứng viên xuất sắc và kẻ kém cỏi chuyên đổ lỗi.
Tìm hiểm lý do ứng viên gặp thất bại
Nhà tuyển dụng phải thực sự cởi mở và không có định kiến nếu muốn tìm hiểu ứng viên một cách toàn diện. Điều này giúp bạn xem xét bản lĩnh và năng lực thực sự của ứng viên khi họ đối mặt và vượt qua sự thất bại trong công việc.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến ứng viên gặp thất bại, có thể do họ không có thái độ làm việc đúng đắn, không có kỹ năng tốt, làm việc chậm chạp… Nếu vậy thì chắc chắn sẽ không có doanh nghiệp nào muốn tuyển dụng họ. Nhưng cũng có thể ứng viên thất bại là bởi lý do khách quan hay biến động bất ngờ mặc dù họ có năng lực và bản lĩnh thực sự. Lúc này, nếu công ty của bạn trao cơ hội, rất có thể sẽ được nhận về một “viên ngọc sáng”.
Bài học kinh nghiệm được rút ra
Không phải ai cũng có một sự nghiệp luôn “xuôi chèo mát mái”. Những người càng có bản lĩnh, dám chấp nhận thách thức và đổi mới thì sẽ có nguy cơ thất bại cao hơn là những người an phận thủ thường. Vì vậy, một lý do nữa để doanh nghiệp nên tuyển dụng ứng viên đã từng trải qua thất bại là bản lĩnh và kinh nghiệm mà họ xây đắp được từ vấp ngã quý giá gấp ngàn lần so với người chưa từng thất bại.
Để làm được điều này, nhà tuyển dụng cũng cần xem ứng viên này thất bại bởi một vấn đề được lặp lại hay thất bại do nhiều vấn đề khác nhau. Nếu là ứng viên thất bại do nhiều vấn đề khác nhau thì bạn nên cho họ cơ hội, bởi các thất bại của quá khứ là bài học giúp họ và công ty tránh được các sai lầm này trong quá trình làm việc. Mặt khác, nếu họ gặp sai lầm ở một việc nhiều lần thì thực sự không nên tuyển dụng, bởi nó cho thấy năng lực yếu kém và họ không biết rút ra bài học cho chính mình. Rất có thể họ sẽ lặp lại các thất bại ngay tại chính công ty của bạn.
Đã từng thất bại trong công việc không hẳn là một điểm trừ khiến bạn quyết định đánh trượt một ứng viên. Hãy xem xét kỹ hơn về ứng viên đặc biệt này để không bỏ lỡ nhân tài cho công ty của mình.
Sưu tầm einvoice.vn — Nguồn: Cafebiz.vn
Để lại một phản hồi